Ông nhà giàu nọ có hai chàng rể. Chàng rể lớn là một nông dân
thật thà, tối ngày chỉ biết cày sâu cuốc hiểm, còn anh rể nhỏ thư sinh
văn hay chữ tốt, ăn nói câu gì ra câu nấy ai cũng khen.
Bởi thế ông yêu quý chàng rể nhỏ mà khinh miệt chàng rể lớn. Mỗi khi
nhà ông có việc, hai anh rể đến thì anh rể nhỏ được cưng chiều, còn anh
rể lớn thường bị la rầy rất tội nghiệp. Một bữa nọ, ông đưa hai chàng rể
ra đồng, rồi lên núi, mục đích chuyến du ngoạn này là để chàng rể lớn
“tâm phục, khẩu phục” chàng rể nhỏ. Ngang qua cánh đồng lúa ông hất hàm
hỏi anh rể lớn:
- Này con biết tại sao cánh đồng kia lại tốt lên thế không?
Rể lớn trả lời:
- Cái đó là trời sinh ra thế !
Quay sang rể nhỏ, anh trả lời lưu loát:
- Sở dĩ nó tốt là nhờ gia chủ nó siêng năng, làm đúng lời dặn: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
Lão nhà giàu lấy làm đắc chí gật đầu. Đi đến một quả núi, ông lại hỏi:
- Tại sao chỗ này đá bị meo lên?
Rể lớn trả lời:
- Cái đó là trời sinh ra thế!
Rể nhỏ trả lời:
- Do mưa nắng lâu ngày nên như vậy.
Đi ngang qua một đám cỏ ông lại hỏi:
- Tại sao cùng một mảnh đất, đám cỏ này lại xanh tốt, đám cỏ kia lại úa vàng?
Rể lớn trả lời:
- Trời sinh ra thế.
Rể nhỏ trả lời:
- Tốt là nhờ nó ở trong mát nên mọc dầy và xanh lên còn đám cỏ úa vì bị thiêu bởi mặt trời.
Bố vợ khen lấy khen để chàng rể nhỏ, chê rể lớn ngu. Anh rể lớn thủng thẳng buông lời:
- Chú nói vậy, thế hàm râu của bố mọc ngoài nắng mà cứ mọc dầy, còn như má chú ở trong mát hoài cũng chỉ thế mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét